Diễn đàn của chi hội sinh viên Gò Công
Chào mừng bạn đến với diễn đàn của chi hội sinh viên Gò Công.

Join the forum, it's quick and easy

Diễn đàn của chi hội sinh viên Gò Công
Chào mừng bạn đến với diễn đàn của chi hội sinh viên Gò Công.
Diễn đàn của chi hội sinh viên Gò Công
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Muốn sống lâu hơn, hãy kết thêm bạn!

Go down

Muốn sống lâu hơn, hãy kết thêm bạn! Empty Muốn sống lâu hơn, hãy kết thêm bạn!

Bài gửi by sofi_daisy Wed Feb 23, 2011 7:25 pm



Muốn sống lâu hơn, hãy kết thêm bạn!


Thượng nghị sĩ Mỹ vừa mới qua đời Edwards Kennedy - người được Tổng thống Obama ca ngợi là “thượng nghị sĩ vĩ đại nhất của thời đại” - không chỉ là nhà chính trị kiệt xuất của nước Mỹ, ông còn là nhà lập pháp nổi bật với những nỗ lực bền bỉ trong cuộc chiến chống lại bệnh ung thư.

Ngay từ cuối những năm 1960, Kennedy, lúc ấy vẫn còn là thượng nghị sĩ trẻ, đã ủng hộ việc phát động một cuộc chiến toàn diện chống lại căn bệnh hiểm nghèo này. Chính sự nhiệt tình của Kennedy đã gây căng thẳng giữa ông và Tổng thống Nixon khi hai người cố gây ảnh hưởng chính trị.

Trong diễn văn năm mới đọc trước công chúng Mỹ năm 1971, Nixon ví von việc chiến thắng được bệnh ung thư chẳng khác nào việc bắn hạ mặt trăng! Đáp lại, Kennedy ủng hộ dự luật tăng thêm ngân sách cho các nghiên cứu về bệnh ung thư và nâng tầm quan trọng của Viện Ung thư quốc gia (National Cancer Institute). Sau đó, Nixon tỏ ý cho vị thượng nghị sĩ rằng mình sẽ chấp thuận dự luật với điều kiện Kennedy rút tên khỏi dự luật này. Kennedy đồng ý. Tháng 11-1971, Nixon ký phê chuẩn dự luật chống ung thư.

Số phận thật trớ trêu, gần 40 năm sau khi dự luật này ra đời, Kennedy qua đời vì một khối u não ác tính. Bốn mươi năm sau khi nước Mỹ tuyên chiến toàn diện với ung thư, sự tàn phá của căn bệnh này lên sức khỏe và tính mạng của con người vẫn chẳng giảm sút bao nhiêu.

Tình bạn có ảnh hưởng lên tình trạng sức khỏe tâm lý của con người mạnh hơn cả quan hệ gia đình. Sự gần gũi bên mình hay số lần tiếp xúc trực tiếp với bạn không đóng vai trò quan trọng. Chỉ cần có bạn là đủ!

Tuy nhiên, 40 năm nỗ lực chống ung thư cũng đã đưa đến một số kết quả khích lệ. Bản thân Kennedy cũng có thể được xem là một ví dụ. Ông sống thêm được 15 tháng từ khi được chẩn đoán u não ác tính hồi tháng 5 năm ngoái. Đó là thời gian sống trung bình hiện nay [ở Mỹ] đối với bệnh nhân mắc bệnh này. Bốn thập kỷ trước, người bệnh u não ác tính chỉ sống được trung bình bốn tháng rưỡi. Ngày nay, trong vài trường hợp, người bệnh có thể sống thêm bốn, năm hoặc sáu năm - điều chưa bao giờ xảy ra trước đây.

Nhưng, dĩ nhiên, điều trị ung thư bao giờ cũng tốn kém, ngay cả đối với bệnh nhân ở các quốc gia phát triển, huống hồ người ở những nước còn nghèo như Việt Nam.

Trong khi con người tìm mọi cách và tốn rất nhiều tiền để tăng cường sức khỏe và trị bệnh, người ta lại quên mất một “vũ khí” rất lợi hại, mà trong nhiều trường hợp chẳng tốn kém bao nhiêu, có thể giúp họ chống lại bệnh tật, rút ngắn thời gian hồi phục sau cơn bạo bệnh, thậm chí còn kéo dài được tuổi thọ.

Vũ khí gì thế? Câu trả lời thật bất ngờ và đơn giản: Tình bạn!

Theo một bài báo đăng trên tờ New York Times cuối tháng 4 năm nay, các nhà nghiên cứu đã có thêm công trình chứng minh được tầm quan trọng của tình bạn và các mối quan hệ xã hội liên quan đến sức khỏe nói chung. Tiêu biểu trong số đó là một nghiên cứu kéo dài 10 năm tại Úc với đối tượng là người lớn tuổi. Kết quả cho thấy rằng trong thời gian nghiên cứu, người có nhiều bạn có nguy hơn qua đời thấp hơn 22% so với người có ít bạn hơn.

Năm ngoái, một nghiên cứu của Đại học Harvard kết luận rằng các mối quan hệ xã hội vững vàng có thể giúp não bộ hoạt động tốt hơn khi người ta lớn tuổi.

Giáo sư xã hội học Rebecca Adams, thuộc Đại học North Carolina, cho rằng tình bạn có ảnh hưởng lên tình trạng sức khỏe tâm lý của con người mạnh hơn cả quan hệ gia đình.

Các nhà nghiên cứu đã có thêm công trình chứng minh được tầm quan trọng của tình bạn và các mối quan hệ xã hội liên quan đến sức khỏe nói chung. Người có nhiều bạn có nguy hơn qua đời thấp hơn 22% so với người có ít bạn hơn.

Trong một quyển sách xuất bản cách đây không lâu với nhan đề “Những cô gái đến từ Ames: Câu chuyện về những người phụ nữ và tình bằng hữu kéo dài 40 năm” (The Girls from Ames: A Story of Women and a 40-Year Friendship), tác giả Jeffrey Zaslow kể lại câu chuyện cuộc đời của 11 người bạn từ thuở ấu thời. Từ bang Iowa, họ tản mát về tám bang khác nhau. Nhưng mặc cho khoảng cách, tình bạn giữa họ bền vững với thời gian, kéo dài suốt thời kỳ đại học, cho đến khi họ lập gia đình, ly dị và trải qua bao nhiêu biến cố khác.

Trong quyển sách, Zaslow thuật lại tình bạn của họ đã giúp hình thành cuộc đời của mỗi người và giúp họ gắn bó với nhau như thế nào. Vai trò của mối quan hệ bạn bè này đối với sức khỏe của các nhân vật nữ càng rõ nét hơn qua từng chương sách.

Kelly Zwagerman, một nhân vật trong quyển sách là giáo viên trung học, phát hiện mình mắc bệnh ung thư vú. Cô kể: khi được chẩn đoán căn bệnh này vào tháng 9-2007, bác sĩ khuyên cô nên có nhiều người thân ở quanh mình. Thay vào đó, Zwagerman liên lạc ngay với đám bạn thời thơ ấu dù họ sống ở xa.

Người Zwagerman liên lạc đầu tiên là một người bạn thời còn ở Ames. Ngay sau khi nhận được e-mail của Zwagerman, người bạn lập tức trả lời, gọi điện thoại và gửi lời động viên. Tiếp theo sau, Zwagerman nhận được rất nhiều lời bày tỏ tình cảm từ những người bạn thiếu thời khác.

Khi Zwagerman nói rằng mình bị đau cổ họng lúc điều trị, một cô bạn từ Ames gửi ngay đến một chiếc máy xay trái cây và công thức chế biến thức uống. Một người bạn khác, vốn đã mất đứa con gái vì bệnh bạch cầu, gửi tặng một chiếc nón đan vì biết rằng Zwagerman sẽ bị rụng tóc trong quá trình điều trị. Người khác lại gửi một bộ pyjama may bằng thứ vải đặc biệt giúp thấm mồ hôi đêm.

Zwagerman thậm chí còn bảo rằng cô cảm thấy thoải mái khi kể về bệnh của mình với các bạn hơn cả với bác sĩ. Cô cho rằng đám bạn thiếu thời ở Ames là một yếu tố quan trọng giúp cô trải qua quá trình điều trị và hồi phục. Nghiên cứu sau đó chứng minh cho lời nói của cô. Năm 2006, một công trình tiến hành trên gần 3.000 nữ y tá mắc bệnh ung thư vú cho thấy phụ nữ có ít bạn có nguy cơ mất mạng vì bệnh này cao hơn những người có từ 10 người bạn trở lên. Đáng chú ý, sự gần gũi bên mình hay số lần tiếp xúc trực tiếp với bạn không đóng vai trò quan trọng. Chỉ cần có bạn là đủ!

Giáo sư tâm lý học Bella Depaulo với công trình chuyên về người độc thân và tình bạn cho rằng tình bằng hữu thậm chí còn có ảnh hưởng đến sức khỏe lớn hơn cả người phối ngẫu hoặc người thân khác trong gia đình.

Trong khi nhiều nghiên cứu được thực hiện trên quan hệ gần gũi giữa phụ nữ, vài công trình cho thấy đàn ông cũng có lợi với tình bằng hữu. Một nghiên cứu kéo dài sáu năm trên 736 người đàn ông Thụy Điển kết luận rằng quan hệ gần gũi với một người duy nhất không hề hạ thấp nguy cơ mắc phải cơn đau tim và các bệnh về mạch máu tim khác, nhưng có nhiều bạn có thể hạ thấp nguy cơ này.

Vì sao tình bạn lại có ảnh hưởng tốt đến sức khỏe như vậy vẫn còn là một câu hỏi đối với các nhà nghiên cứu. Dù bạn bè có thể chạy đi chạy lại để mang thuốc đến người bệnh, tác dụng của tình bạn dường như vượt khỏi sự giúp đỡ về mặt vật lý. Có vẻ như trong trường hợp này, sự gần gũi không đóng vai trò chính yếu.

Thường thì người có những mối quan hệ xã hội rộng sẽ dễ tìm được sự chữa trị tốt hơn. Tuy nhiên, tình bạn rõ ràng đã gây được ảnh hưởng tâm lý. Người có nhiều bạn thường ít bị cảm lạnh hơn những người khác, có lẽ đơn giản là vì họ ít bị stress hơn.

Năm ngoái, các nhà nghiên cứu của Đại học Virginia đã có một thí nghiệm thú vị. Họ đem 34 sinh viên đến dưới chân một ngọn đồi dốc, mỗi người mang một túi nặng sau lưng. Một số sinh viên đứng cùng với các bạn của mình, một số người khác đứng một mình. Các sinh viên được hỏi ý kiến về độ dốc của ngọn đồi. Kết quả như sau: ai đứng cùng bạn đều bảo đồi ít dốc hơn. Còn người đứng một mình cho rằng đồi có độ dốc cao hơn. Và bạn bè càng lâu năm đứng cùng nhau, họ càng thấy đồi ít dốc hơn.

“Người có tình bạn sâu đậm luôn có cảm giác sẽ tìm được người có thể trông cậy”, tờ New York Times trích lời Karen Roberto, Giám đốc Trung tâm Lão khoa tại trường Đại học Kỹ thuật Virginia. “Tình bằng hữu đang là nguồn tài nguyên bị đánh giá thấp. Tất cả những nghiên cứu bên trên đưa đến một thông điệp nhất quán. Đó là tình bạn giúp đời sống của chúng ta tốt đẹp hơn”.

Đọc đến đây, chắc bạn sẽ nhấc điện thoại để gọi cho người bạn thân đã lâu không gặp. Bạn nên làm điều đó, bạn ơi!
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

sofi_daisy

Tổng số bài gửi : 15
Join date : 17/02/2011
Age : 32

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết